Trong một thế giới sản xuất lúa ngày càng đòi hỏi năng suất cao và chất lượng tốt, việc đầu tư vào công nghệ là một yếu tố không thể thiếu để bảo vệ tài sản và giảm tổn thất sau thu hoạch.
Thời tiết diễn biến và sự phụ thuộc vào diện tích sân phơi, nhiều nông dân đã gặp phải những thất bại trong việc bán hàng. Tại những địa phương có diện tích sân phơi hẹp và yêu cầu chất lượng cao, việc đầu tư vào máy sấy lúa theo công nghệ hiện đại là một bước đệm quan trọng để hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp tồn tại bền vững.
Nhận thấy người dân địa phương mỗi khi vào mùa thu hoạch rơi đúng đợt mưa bão, thường gặp nhiều khó khăn trong khâu phơi lúa và dẫn tới dễ bị ép giá, nên sau khi tham quan mô hình lò sấy lúa ở Tiền Giang, Đồng Tháp, anh Dương Hoàng Tân, ngụ ấp Bằng Lăng, xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh đã mạnh dạn đầu tư lò sấy công nghệ cao, với mô hình máy sấy tháp, không ô nhiễm môi trường. Ước tính kinh phí trên 10 tỉ đồng với 6 máy sấy, công suất 45 – 50 tấn/ca, trung bình mỗi ca là 12 – 14 tiếng.
Nhưng đến nay, anh mới chỉ đầu tư 2 máy sấy và nhà kho chứa lúa ước tính kinh phí khoảng 5 tỉ đồng, dự kiến vài ngày nữa sẽ đưa vào hoạt động.
Anh Tân chia sẻ:
“Hiểu nỗi khổ của nông dân sau khi thu hoạch lúa không phơi được do gặp mưa, bão cũng như thấy được tính cần thiết trong việc sấy lúa, tôi đầu tư xây dựng nhà máy, hy vọng đáp ứng được nhu cầu sấy lúa sau thu hoạch của nông dân. Sau khi sấy lúa, nông dân có thể bán cho thương lái hoặc trữ lại kho của nhà máy”.
Bí thư đồng thời Chủ tịch UBND xã Tân Ninh – Nguyễn Hoàng Hận cho biết:
“Hiện nay, toàn xã có trên 2.190ha lúa 3 vụ. Trung bình mỗi vụ sản lượng trên 17.000 tấn. Nông dân thường bán lúa tươi ngay tại ruộng hoặc tận dụng ánh nắng mặt trời để phơi lúa.
Tuy nhiên, phơi lúa phụ thuộc vào ánh sáng mặt trời, khả năng hao hụt rất cao, đó là chưa kể thu hoạch trong mùa mưa bão.
Để giảm tổn thất sau thu hoạch đối với sản xuất lúa, việc phải đầu tư cơ giới hóa từ lúc gieo sạ đến khi thu hoạch, ứng dụng các công nghệ vào sản xuất là rất cần thiết.
Hiện mô hình lò sấy của anh Tân là mô hình đầu tiên của huyện, theo đánh giá của lãnh đạo địa phương, đây là mô hình sẽ mang lại hiệu quả cao.
Thu hoạch lúa trong mùa mưa bão, nếu được sấy tốt thì tỷ lệ hao hụt, thất thoát giảm xuống, giúp nâng cao chất lượng hạt lúa thương phẩm, lúa giống, nông dân dự trữ dễ dàng, không bị ẩm mốc”.